Từ nhiều năm nay, đến gần Tết, người đọc báo ở Sài Gòn lại trông ngóng những tờ báo Xuân ra đời. Với cái tên trang trọng là giai phẩm Xuân, nội dung những ấn phẩm này luôn có bài vở đặc sắc, mang đậm tính hoài niệm. Chủ các toà báo tư nhân xưa kia thường giao cho người ký giả giỏi nhất của tòa báo làm chủ biên giai phẩm Xuân và tiền lời của giai phẩm đặc biệt này được thưởng hết cho anh em trong Tòa soạn, chủ báo không thu. Báo Xuân xưa ở Sài Gòn cách nay năm mươi, sáu mươi năm trước thường có khổ lớn, bìa in màu lộng lẫy với tranh và hình ảnh đẹp. Qua từng giai đoạn, bìa báo Xuân có các hình thức thể hiện khác nhau.
Tranh bìa báo Xuân thập niên 1950
Một ngày giáp Tết cuối thập niên 1950, có hai người đàn ông chạy xe gắn máy tông vào nhau trên con đường Lê Lợi đoạn gần chợ Bến Thành. Sau khi dựng xe, lấy lại tư thế, hai ông ngỡ ngàng nhận ra nhau. Người lớn tuổi hơn đi Vespa là họa sĩ Duy Liêm, nổi tiếng vẽ bìa nhạc tờ, mẫu tranh sơn mài và bìa báo. Người đi Lambretta là họa sĩ Lê Minh. Hai ông hỏi nhau đi đâu mà gấp gáp vậy, và cả hai có cùng câu trả lời giống nhau “Tôi đi giao tranh bìa báo xuân, gấp quá nên đi nhanh!”.
Bìa Báo Xuân Sài Gòn mới này của Thái Văn Ngôn, họa sĩ chuyên vẽ bìa báo Xuân và
tạo mẫu sơn mài hãng Thành Lễ nổi tiếng trước đây (sưu tập Phạm Công Luận)
Một số bìa Báo Xuân Sài Gòn xưa (sưu tập Phạm Công Luận)
Câu chuyện cũ đơn giản vậy nhưng còn đọng lại trong tâm trí họa sĩ Lê Minh, họa sĩ nổi tiếng một thời chuyên vẽ bìa sách truyện chưởng Kim Dung và tranh các loại cho các ấn bản. Năm nay 77 tuổi, còn tráng kiện và đang sống cùng vợ con ở đường Lê Quang Định, ông hồi tưởng: “Thập niên 1950 là thời hoàng kim của giới họa sĩ vẽ tranh bìa báo xuân. Lúc đó xu hướng dùng ảnh chụp làm bìa báo xuân chưa rộ lên nên giới họa sĩ chúng tôi như Lê Trung, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm tha hồ tung hoành. Những năm đó, tôi còn trẻ, ngoài việc vẽ bìa sách còn nhận thêm vẽ bìa báo xuân. Mỗi năm nhận khoảng 5, 6 bìa là có tiền ăn cái Tết huy hoàng rồi”.
Họa sĩ Lê Minh kể rằng khoảng một tháng trước Tết, các báo như Sân khấu mới, Tia sáng, Phụ nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai đã bắt đầu đặt ông vẽ bìa. Các chủ báo không có yêu cầu gì cụ thể, chỉ giao họa sĩ vẽ một bìa báo cho đẹp với tông màu rực rỡ. Thế là các họa sĩ tha hồ sáng tạo. Tuy nhiên bìa báo Xuân nhất thiết phải có hình một cô gái xinh đẹp, có cành hoa mai, có cảnh đi lễ chùa, đi chợ hoa, cho bồ câu, có lư nhang…cứ thế mà thay đổi, thêm bớt miễn các tranh bìa đừng giống nhau. Họa sĩ Lê Minh nhớ mình thích nhất bức cô gái chắp tay cầu nguyện vì hòa bình trên số tất niên báo Tia Sáng năm nào đó không nhớ rõ. Thập niên 1950, kỹ thuật làm bản kẽm chỉ dùng để in ảnh trên bìa nên họa sĩ vẽ tranh làm sao cho phù hợp với kỹ thuật in mộc bản, dễ chạm khắc trên gỗ để in. Một bức tranh thường vẽ chỉ mất một buổi nhưng vì vẽ nhiều tranh dồn lại nên phải giao gấp, nên mới có chuyện tông xe vào nhau trên đường Lê Lợi với ông Duy Liêm.
Họa sĩ vẽ tranh bìa báo Xuân nổi bật lúc đó là họa sĩ Lê Trung, người mà họa sĩ Lê Minh ngưỡng mộ từ khi còn trẻ. Họa sĩ Lê Trung tên thật là Lê Toàn Trung, người gốc Châu Đốc. Ông tốt nghiệp trường Trung học trang trí Gia Định và là cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội năm 1938, có thụ huấn giáo sư Besson, Claude Lemaire, La Jonchères. Tranh của Lê Trung được chú ý nhiều nhất là vẽ thiếu nữ với nét đẹp diễm lệ, sóng mắt ướt rượt, ngực nở, eo thon hừng hực sức sống như cây trái miền Nam. Có người bảo đó là nét đẹp của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Giới bình dân ở Sài Gòn, người dân miền tây Nam bộ đặc biệt mê tranh bìa báo xuân do Lê Trung vẽ. Tranh của ông đứng hẳn riêng một góc, khác hẳn dáng thiếu nữ thướt tha, mảnh mai yểu điệu kiểu “mỹ thuật Đông Dương” rất thịnh hành. Và dạng tranh này có sức sống thật sự đến nỗi cho đến nay nhiều người còn nhớ, còn thích như nhớ về một dĩ vãng êm đềm của thập niên 1950 lúc vừa thoát khỏi chế độ thực dân và chiến tranh chưa lan rộng. Lúc đó, những tờ bìa báo xuân, phụ bản màu sau Tết sẽ được cắt ra dán trên vách nhà, cột cái chẳng khác dán tranh dân gian xưa kia. Đến khi nó uá vàng vì khói bếp hay màu thời gian vẫn chưa bóc ra.
Họa sĩ Thái Văn Ngôn chuyên vẽ bìa báo Xuân Sài Gòn xưa
với hình ảnh các thiếu nữ đẹp được giới bình dân ưa chuộng
Bìa báo Xuân Sài Gòn xưa được sử dụng ảnh chụp.
Một công nghệ được cho là hiện đại những năm đầu thập niên 60
Tranh trên bìa báo Xuân giai đoạn này thật sự thấy đó là những bức đẹp, gợi cảm. Đó là dạng mỹ thuật dành cho đại chúng, dễ thưởng thức và đã tạo nên một thị hiếu thẩm mỹ tích cực dành cho những người bình thường không có mấy khi tiếp cận những gallery sang trọng hay các phòng khách xa hoa. Trong ký ức của người Sài Gòn, lục tỉnh hay ở các tỉnh xa ở tuổi trên 50, đó là những hình ảnh khó phai, đầy cảm xúc khi nhìn lại.
Bìa báo Xuân thập niên 1960 (ảnh nghệ sĩ thắng thế)
Đến đầu thập niên 1960, bìa báo xuân có tranh Lê Trung tuy vẫn còn được ưa chuộng nhưng một khuynh hướng mới đã bắt đầu ló dạng và lớn dần lên, là bìa báo xuân đăng ảnh màu của các nghệ sĩ đủ các lọai hình sân khấu, ca nhạc, điện ảnh. Lúc đó, phong trào ca tân nhạc, điện ảnh và sân khấu cải lương đang phát triển ở miền Nam, thu hút nhiều trai thanh gái lịch tham gia. Đã vậy, kỹ thuật in ấn phát triển, các thiết bị máy ảnh, phim màu từ nước ngoài nhập về nhiều hơn nên tạo thuận lợi cho khuynh hướng này, kéo dài cho đến 1975.
Khuynh hướng đăng ảnh nghệ sĩ trên báo chí, nhất là dịp Tết, mạnh đến nỗi, trong bài viết của thi sĩ Đông Hồ trên tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần năm 1962, ông nêu: “sách mà dám cho phát hành vào dịp áp Tết là nguy hiểm lắm, cũng bằng tự giết mình, vì sách sẽ bị bao nhiêu mĩ nhân của tranh bìa, tranh phụ bản đè tràn, chôn ngập mất…” (bài Chuyện câu đối tết giữa kinh thành Sài Gòn, trang 10).
Công chúng đòi hỏi được tiếp cận hình ảnh nghệ sĩ mà họ từng xem biểu diễn trên sân khấu. Ảnh bìa các báo lần lượt đưa lên bìa hình ảnh nghệ sĩ được chụp công phu trong các studio Bình Minh, Viễn Kính thu hút mạnh mẽ.
Riêng về tranh vẽ của các họa sĩ trên báo xuân, giai đoạn này vẫn còn được ưa chuộng nhưng đã lùi dần vào bìa sau và lai rai còn cho đến năm 1975. Các họa sĩ chuyên vẽ bìa báo xuân trước kia tiếp tục vẽ bìa nhạc, bìa sách, sáng tác tranh kiếm sống. Riêng họa sĩ Lê Minh, ông trở nên nổi tiếng với tranh bìa truyện kiếm hiệp Kim Dung. Ngoài ra, ông vẽ tranh “tứ bình”. Đó là những bộ truyện tranh vẽ các truyện tích Việt Nam như Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Mục Liên-Thanh Đề… đề cao trung hiếu tiết nghĩa. Loại tranh này in màu, có bốn tờ khổ lớn và dài được tặng thêm làm phụ bản cho báo xuân. Người đọc mua báo về cất lại tờ tranh để…dán lên vách như cách họ đã dán bìa báo xuân trước kia vậy.
Một số bìa Báo Xuân Sài Gòn xưa (sưu tập Phạm Công Luận)
Trở lại việc thể hiện hình ảnh trên bìa báo xuân giai đoạn này. Thời đó, tuy có nhiều người chụp ảnh nghệ sĩ nhưng các báo lớn ở Sài Gòn chỉ tập trung vào hai tiệm có uy tín là tiệm Bình Minh đường Bùi Thị Xuân, quận Nhứt của đạo diễn học từ bên Pháp về là ông Lê Dân. Tiệm thứ hai là Photo Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu ở số 277 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), quận 3. Có người còn nhớ ảnh của hai nghệ sĩ Thanh Nga và Thanh Thúy trên bìa tờ báo Xuân Dân Tộc 1961 do tiệm Bình Minh chụp. Nghệ sĩ Thanh Nga lúc đó mới mười chín tuổi, còn ca sĩ Thanh Thúy cũng chỉ mới mười tám. Tên của Thanh Nga đã nổi như cồn từ tám năm trước đó và vừa mới được đưa lên bảng hiệu thành Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Còn Thanh Thúy chỉ vừa xuất hiện tại phòng trà Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959 nhưng nhanh chóng nổi lên với giọng hát liêu trai và đuợc ca ngợi bằng các mỹ danh như “Tiếng Hát Lúc Không Giờ”, “Tiếng Hát Khói Sương”. Chọn hai ca sĩ này làm bìa báo trong lúc sáng danh như vậy, chính là chiêu hút người mua báo khôn ngoan của các chủ báo.
Ông Đinh Tiến Mậu, chủ Photo Viễn Kính nổi tiếng nay vẫn còn khỏe mạnh và đang sống ngay căn nhà cũ. Ông cho tôi xem những bìa báo và Lịch xuân mà ông đã chụp suốt những năm đó. Với máy ảnh hiệu LINHOF của Đức, ông dùng chụp ảnh tại studio và chụp ngoại cảnh tùy theo yêu cầu của chủ báo hay nghệ sĩ. Lúc này, hãng Kodak có một đại lý bán phim chụp ảnh tại đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) nên ông có chỗ cung cấp phim đen trắng để chụp ảnh hằng ngày. Đến gần Tết, nhu cầu chụp ảnh màu tăng lên, ông lấy thêm phim dương bản Ektachrom để chụp bìa báo xuân. Trước Tết hơn một tháng, các báo ông thường cộng tác như Phụ Nữ Ngày nay, Phụ Nữ Diễn Đàn… đã bắt đầu đặt hàng chụp ảnh bìa. Vốn đã quen việc chụp ảnh nghệ sĩ, ông chỉ cần hẹn và chuẩn bị phim ảnh nên công việc khá nhanh chóng. Đó là những đợt chụp tuy khá bận rộn vất vả nhưng vui và đáng nhớ.
Một số bìa Báo Xuân Sài Gòn xưa (sưu tập Phạm Công Luận)
Tranh minh họa về một sạp báo trước Tết bán giai phẩm Xuân ở Sài Gòn xưa kia. Tranh màu nước của Phạm Công Tâm
Hình ảnh một sạp báo xưa ở Sài Gòn (nguồn Internet)
Cuối năm 1967, chuẩn bị cho báo Tết năm 1968 Mậu Thân, ông cùng một nhà văn lên Đà Lạt chụp cho nghệ sĩ Thanh Nga làm bìa báo Xuân Tia Sáng. Lên đến đó, Thanh Nga ở nhà người quen còn ông và ông bạn nhà văn ra ở khách sạn. Trời Đà lạt gần Tết mát mẻ, cảnh công viên quốc gia lại rất đẹp. Điều ông nhớ nhất, dù đang là nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu, nghệ sĩ Thanh Nga làm việc rất nghiêm túc. Cô luôn đến đúng hẹn, rất chịu khó tạo dáng để chụp. Khi tạm nghỉ, cô nói chuyện vui vẻ và gần gũi với mọi người trong nhóm. Giống như những lần trước chụp ở studio, cô thích bận áo dài nền nã với nhiều màu sắc. Giọng nói của Thanh Nga vang, sang trọng nhưng dịu dàng. Đi theo cô là một người giúp trang điểm.
Giống như Thanh Nga, Nghệ sĩ Bạch Tuyết là một nghệ sĩ khá nghiêm túc trong công việc. Cô cư xử khá dễ chịu, không làm cao, sẵn sàng đi chụp ngoại cảnh khi có ỵêu cầu. Cô thích chụp tranh phim (như truyện tranh nhưng kết cấu là từng bức ảnh có diễn viên diễn xuất).
Khi chụp ảnh trong studio thì rất thuận tiện với máy có chân chống, đèn pha…nhưng khi ra ngọai cảnh thì khó khăn vì đang lúc chiến tranh, kiếm chỗ vắng vẻ mà an ninh thật khó. Lúc đó, nơi lý tưởng là khu Suối Lồ Ồ ở Dĩ An gần Biên Hòa. Bức ảnh nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng bận áo tắm tuyệt đẹp đăng trên Lịch xuân 1967 báo Phụ Nữ Ngày Mai đã được chụp ở đây, phía sau là con suối nhòe nét.
Ngoài báo Xuân, các tờ báo còn tranh thủ dịp tết ra Lịch sách hay Lịch tờ để bán. Những năm như vậy, ông Mậu rất bận rộn. Năm 1966, ông chụp hàng lọat ảnh cho Lịch báo Phụ Nữ Ngày Mai với ảnh của Minh Hiếu, Thanh Lan (Ca sĩ, không phải là Thanh Lan hát ca khúc Khi xưa ta bé), Ngọc Hương, Kim Loan (sau này đổi tên là Mộng Tuyền), Kim Nga…Bộ ảnh này chụp trang phục tự do. Đến 1967, báo này ra bộ ảnh táo bạo hơn với các nghệ sĩ mặc áo tắm và bức ảnh Thẩm Thúy Hằng nói trên làm bìa. Bên trong là ảnh diễn viên múa Thu Thủy, nghệ sĩ Bạch Tuyết, Ánh Hoa, Tuyết Nhung, Kim Tuyến …mặc áo tắm một hoặc hai mảnh.
Dạng tranh tứ bình (phụ bản kèm báo Xuân) đề cao “trung hiếu tiết nghĩa” qua các tuồng tích như Thạch Sanh – Lý Thông,
Lâm Sanh – Xuân Nương rất được ưa chuộng từ thập niên 1960 ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam (sưu tập Phạm Công Luận)
Một thời đã qua. Khi nhìn lại các tờ báo xuân, ông Mậu nhớ lại hồi trẻ họat động nghệ thuật hăng say của mình. Lúc đó, tuy chú tâm vào công việc, ông vẫn nhớ nét đẹp rực rỡ của ca sĩ Minh Hiếu, mệnh danh là Liz Taylor của Việt Nam, vẻ đoan trang dịu dàng của Thanh Nga, sang trọng của diễn viên Kiều Chinh, tươi tắn của ca sĩ Thanh Lan, nét bốc lửa của ca sĩ Diễm Thúy. Các nam ca sĩ hầu như không hề lên bìa báo xuân, nhưng họ thường đến chụp ảnh tại studio của ông. Nghệ sĩ Út Trà Ôn phong độ. Nghệ sĩ Hùng Cường vui tính, dáng điệu hào hoa. Các ngôi sao xinh đẹp ngày xưa đã luống tuổi, dấu ấn thời gian phủ trên nhan sắc. Có nhiều ngừơi không còn nữa. Chỉ còn lại những bức ảnh, tờ lịch mà ông còn lưu lại họat động nghệ thuật sôi nổi của một thời.
Phạm Công Luận
(Trích trong bộ sách Sài Gòn, chuyện đời của phố tập I, và II. Bài đăng trên vietnamfineart.com.vn)