(Lời giới thiệu in trong cuốn sách “Nguyễn Sáng”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2017) Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 có để lại một vài tên tuổi lớn. Nếu chỉ được phép chọn ra ba người, thì một trong ba người ấy sẽ rất khó nếu không phải là Nguyễn Sáng. Bằng tác phẩm, người nghệ sĩ chứng minh tên của mình, và Nguyễn Sáng đúng là một nghệ sĩ như vậy.”
Nguyễn Sáng đã sống trọn qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Một thời kỳ “bao cấp” gian nan và kéo dài cũng đã chiếm trọn cả nửa cuộc đời sau của ông. Người bạn đời đến rất muộn, nhưng đoản mệnh. Trong căn phòng nhỏ 13 thước rưỡi vuông cũ kỹ của ông, nay chỉ còn lại những dấu vết, những vật dụng, những vật kỷ niệm được người em vợ lưu giữ, để gợi nhớ về một thời khó khăn đã từng xảy ra trong quá khứ. Ở đây, cái vĩ đại, bằng những nguyên lý vận động thần thánh, lại một lần nữa vượt qua được nghịch cảnh. Kích thước cuối cùng chính là kích thước của tự do.
Tên khai sinh: Nguyễn Sáng
Ngày sinh: 1 tháng 8 năm 1923 tại Mỹ Tho (nay thuộc Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Ngày mất: 16 tháng 12 năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh
Lĩnh vực hội họa: Sơn dầu và sơn mài
Giải thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam. Năm 1996 hoạ sĩ Nguyễn Sáng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm: Giặc đốt làng tôi – Sơn dầu- 80x130cm (1954); Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ – Sơn mài – 112x180cm (1963); Thành đồng Tổ quốc – Sơn mài – 112x200cm (1978); Bộ đội trú mưa – Sơn mài – 70x100cm (1970); Thiếu nữ bên hoa sen – Sơn dầu – 80x130cm (1972).
Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng lúc trẻ
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 – 1988) quê ở làng Điều Hòa tỉnh Mỹ Tho nay là Tiền Giang, Nam Bộ, trong một gia đình viên chức. Ông học trường Mỹ thuật Gia Định 1936 – 1938, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941-1945. Ông nhiều năm sống và làm việc tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Lúc đầu, Nguyễn Sáng học Trường Mĩ thuật Gia Định (1936 – 1938), sau học tiếp Trường Mĩ thuật Đông Dương khoá XIV (1941 – 1945); ông là hội viên ngành hội hoạ Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1957; Ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam khoá I (1957- 1983); hoạ sĩ tổ sáng tác Hội Mĩ thuật Việt Nam; Giải nhất triển lãm Mĩ thuật toàn quốc 1954.
Căn phòng cũ của Nguyễn Sáng trên tầng ba, số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, cùng cái tủ kiểu cổ và chiếc ghế của ông hiện đang được người em vợ lưu giữ. Ảnh chụp năm 2017. Ảnh: Thẩm Hùng
Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12-1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Tranh của ông gồm nhiều thể loại, ở thể loại nào ông cũng đều thành công. Về thể loại chiến tranh, ông có các tác phẩm Giặc đốt làng tôi, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc. Về thể loại tranh chân dung, ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Tư hoạ và Không gian. Ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật. Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong số những hoạ sĩ có những tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội hoạ của ông có tầm khái quát cao, kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân hội hoạ hiện đại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, như phụ nữ và hoa (thiếu nữ bên hoa sen), cảnh đẹp vừa cổ kính vừa lộng lẫy của chùa chiền (Tháp phổ minh), cảnh núi rừng thâm u mà hùng vĩ (Pác Bó), cảnh nông thôn bình dị, hiền hòa (thiếu nữ trong vườn chuối), cảnh ghi lại những trò chơi dân gian (Chọi trâu, Đấu vật) v.v…
Tác phẩm Vật. 1980. Sơn mài. 70x90cm. Sưu tập gốc của ông Tô Ninh
Nguyễn Sáng đã làm cuộc cách tân đáng kể trong lĩnh vực sơn dầu và nhất là sơn mài. Đồng thời, ông cũng khai thác thành công phong cách nghệ thuật hội họa hiện đại châu Âu, nhưng vẫn không xa rời nghệ thuật dân gian và cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp hài hòa giữa tính hiện đại và tinh hoa của dân tộc. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của những cảnh thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài đến đỉnh cao với tầng lớp đời thường, chiến tranh, cách mạng, những xung đột của cuộc sống hiện tại. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú dường như vô tận. Các tác phẩm của Nguyễn Sáng có tầm cỡ về kỹ năng, mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người và tiềm ẩn một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sáng vào thập niên 70. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đấy là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội họa cả về chất liệu và danh tiếng. Nguyễn Sáng là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội hoạ Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.
Bộ tem giấy dó in hình Bác Hồ rất giá trị
Đánh giá về những mẫu tem do Nguyễn Sáng thiết kế, họa sĩ Phan Kế An, Trưởng bộ môn Đồ họa – Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, người chuyên vẽ Bác Hồ đã viết: Nguyễn Sáng khi sáng tác hội họa là một tác giả có bút pháp phóng khoáng, có thể nói là tung hoành nữa, nhưng khi vẽ tem, vẽ giấy bạc lại là một nhà đồ họa vững vàng, tỉ mỉ, chính xác, biết tìm những biện pháp tối ưu, thích hợp với kỹ thuật thô sơ của thủa sơ khai… Con tem đầu tay của anh vẽ chân dung “Cụ Hồ” là con tem chững chạc, vẽ với tinh thần trách nhiệm cao, với tình cảm sâu đậm, hình ảnh Bác được mô tả đúng tinh thần, toàn thể con tem trang trọng. Ông là người đã trải mình trên mọi chất liệu nghệ thuật. Từ tranh khắc, sơn dầu cho đến sơn mài, ông đều đóng góp cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam những tác phẩm quý giá. Đặc biệt, với chất liệu sơn mài, ông đã tạo ra một kĩ thuật mới về màu và sắc độ. Nếu thử nghiệm năm 1960 của Nguyễn Sáng trên tác phẩm Học đêm cho khả năng biểu đạt sơn mài theo lối diễn hình phương Tây, dù rất xuất sắc, nhưng ông cũng tự nghiệm thấy rằng tính chất đặc trưng của chất liệu có phần mờ nhạt; thì trong những tác phẩm sau này, ông đã thiên hơn về mảng khối tượng trưng như được đúc rút ra từ nghệ thuật dân gian. Cái chất Đông Hồ, Hàng Trống đã sống lại trong các tác phẩm của ông như một chất nhựa tạo nên tổ chức kết cấu bố cục. Đồng thời, ở các tác phẩm của ông, người ta còn nhìn thấy ảnh hưởng nghệ thuật hội hoạ của các bậc thầy phương Tây hiện đại, từ Pi-cát-xô cho đến Ma-tít-xơ được quyện chặt với “hồn” dân tộc Việt Nam. Chính những yếu tố này đã được bộc lộ đầy đủ ở tác phẩm Kết nạp Đảng – tác phẩm được bầu là tác phẩm đẹp nhất của hội hoạ hiện đại Việt Nam (năm 1998).
ác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, sơn mài, 1963
Nói về tác phẩm “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên Phủ”, ấn tượng đầu tiên về bức tranh là đường nét khỏe khoắn, chất tạo hình hiện đại mà Nguyễn Sáng áp dụng bằng một chất liệu đậm đặc chất dân tộc, đó là sơn mài, nguyên liệu chủ yếu từ sơn ta (sơn Việt Nam), một chất liệu trước kia chỉ dùng được cho nghệ thuật trang trí đã được các họa sĩ Việt Nam sáng tạo để thành chất liệu cho nghệ thuật tạo hình. Bức tranh được ông sáng tác vào năm 1963 nghĩa là sau 9 năm chiến thắng Điện Biên Phủ – một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng con đường đến với thắng lợi, quân và dân ta đã chịu bao mất mát hy sinh. Ấp ủ ý tưởng, ông đã chọn nhân vật điển hình, hoàn cảnh điển hình để khắc họa hình tượng người chiến sĩ – đảng viên cao đẹp và bình dị, những người trên trận tuyến.
Tác phẩm Chân dung bà Đôn Thư. 1971, sơn dầu. Sưu tập của ông Tô Như Toàn
Ngoài ra, ông còn tham gia tuyên truyền, cổ động cho cách mạng, vẽ giấy bạc mới và tham gia triển lãm mừng Quốc khánh đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Sáng đã ở lại miền Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1950 đến năm 1952, ông về Ban Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Thời kì này, ông làm tranh li-tô và khắc gỗ. Tác phẩm Tình quân dân được sáng tác trong giai đoạn này báo hiệu một Nguyễn Sáng mạnh mẽ trong tương lai. Năm 1953 – 1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chín năm kháng chiến đã gắn bó Nguyễn Sáng với số phận dân tộc, với số phận của những người dân công, bộ đội cùng bạn bè trí thức. Đây là giai đoạn tài năng hội hoạ của Nguyễn Sáng phát triển rực rỡ nhất. Hàng loạt những tác phẩm đỉnh cao trong cuộc đời nghệ sĩ của ông được ra đời như Chợ Bo đẫm máu (1951). Giặc đốt làng tôi (1954), Bộ đội trú mưa (1960), Bộ đội nghỉ trưa trên đồi (1960), Thành đồng Tổ quốc và đặc biệt là tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (1963) – bức tranh được coi như tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Sáng.
Tác phẩm Thanh niên thành đồng. 1978, sơn mài. Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam
Bìa cuốn sách Nguyễn Sáng của tác giả Quang Việt, Nhà xuất bản Mỹ thuật 2017
clip về Họa sĩ Nguyễn Sáng