Vào ngày đầu năm mới, mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, chung niềm vui đón xuân, chúc tụng nhau bao lời hay ý đẹp; nhà nhà treo tranh Tết, liễn đối, dán câu chúc tụng chào đón một mùa xuân với nhiều ước nguyện.
Trước cửa nhà, người ta treo bốn chữ nằm ngang: “Ngũ phúc lâm môn”, nghĩa là năm phúc đến cửa (đến nhà). Theo quan niệm người xưa, năm phúc đó là: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe), ninh (bình an). Quan niệm về Ngũ phúc của người Trung Hoa có khác người Việt ta, người Trung Hoa cho rằng Ngũ phúc là: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (mạnh khỏe và bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài), khảo chung mệnh (chết vì già, không chết yểu, không chết bất đắc kỳ tử).
Nếu nhà nào không treo bốn chữ “Ngũ phúc lâm môn” thì treo bốn chữ “Xuất nhập bình an”, có nghĩa là ra vào được bình an. Một hoặc hai bên cửa nhà lại treo bốn chữ viết sổ xuống là: Tân xuân đại kiết (xuân mới được những điều tốt lành lớn). Nếu là cửa hàng cửa hiệu thì vào ngày khai trương, hai bên cửa treo bốn chữ viết sổ xuống: “Khai trương hồng phát” có nghĩa là khai trương phát tài lớn.
Vào trong nhà, trên bàn thờ ông thần Tài ông Địa cũng có treo bốn chữ “Ngũ phúc lâm môn” hoặc “Kim ngọc mãn đường” (vàng ngọc đầy nhà).
Ngày xuân trong nhà thường treo các tranh truyện hoặc tranh chúc Tết mừng xuân, trong tranh là những câu chúc tụng có hình ảnh tượng trưng cho điều cầu chúc:
Tranh Con gà: Con gà chữ Hán gọi là Kê, có âm gần giống với chữ Cát (cũng đọc là Kiết, nghĩa là tốt lành). Tranh gà Đông Hồ thường ghi hai chữ Đại cát (điều tốt lành lớn) hoặc Cát tường (điều tốt, phúc lành, vận may) hàm ý chúc một năm mới được nhiều may mắn tốt lành. Nếu bức tranh có hình một đàn gà, có nghĩa là “đa cát” hàm ý chúc năm mới gặp nhiều điều tốt lành.
Tranh Ngũ phúc phụng thọ: có hình năm con dơi bao quanh chữ thọ. Năm con dơi tượng trưng cho Ngũ phúc: phú, quý, thọ, khương, ninh, hoặc thọ, phú, khang ninh, du hảo đức, khảo chung mệnh. Vì trong chữ Hán chữ Phúc (Phước) đồng âm với chữ Bức (con dơi). Hình ảnh năm con dơi bao quanh chữ Thọ hàm ý chúc sống lâu và hưởng đầy đủ năm phước báu.
Tranh Tam dương khai thái: Theo Kinh Dịch, Tam dương chỉ cho mùa xuân, khai nghĩa là mở, thái là hanh thông, thời vận tốt, bình an, yên ổn.
Tam dương khai thái có nghĩa là mùa xuân mở ra thời vận hanh thông. Trong chữ Hán, chữ Dương (con dê) đồng âm với chữ Dương (Tam dương, dương xuân: mùa xuân, ngày xuân), cho nên vẽ hình ba con dê để tượng trưng cho Tam dương.
Tranh Phúc tại nhãn tiền (phúc ở ngay trước mắt): vẽ hình con dơi với hai đồng tiền, vì trong chữ Hán chữ Phúc (phước) đồng âm với chữ Bức (con dơi), chữ Tiền (phía trước) đồng âm với chữ Tiền (đồng tiền).
Tranh Cát khánh hữu dư (có dư những điều vui mừng và tốt lành): vẽ hình ba cây kích, hai con cá và một cái khánh. Trong chữ Hán, chữ Cát (điều tốt lành) đồng âm với chữ Kích (cây kích, một thứ vũ khí thời xưa), chữ Khánh (điều vui mừng) phát âm tương tự với chữ Khánh (cái khánh, khi gõ vào thì phát ra âm thanh), chữ Dư (thừa, dư) đồng âm với chữ Ngư (con cá).
Ngoài tranh treo tường ra, trên các phong bao lì xì cũng có hình vẽ tượng trưng những lời chúc Tết mừng xuân, chẳng hạn như: hình trái quýt (quất) tượng trưng cho điều tốt lành (vì trong chữ Hán, Quất phát âm tương tự chữ Cát), hình con voi (tượng) tượng trưng cho điềm lành, điều may mắn (vì trong chữ Hán, Tượng phát âm gần giống chữ Tường–tốt lành), hình ông lão bế đứa bé tượng trưng cho Phúc (vì quan niệm người xưa cho rằng sống thọ và có con cháu đông là có phúc), hình một vị quan cầm ngọc như ý tượng trưng cho Lộc (bổng lộc – người xưa cho rằng chỉ khi làm quan mới hưởng được nhiều bổng lộc), hình một ông lão hói đầu, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy có đeo bầu rượu tượng trưng cho Thọ (sống lâu). Ngoài ra, người ta cũng dùng hình ảnh con dơi tượng trưng cho Phúc (trong chữ Hán, Phúc đồng âm với Bức – con dơi), con nai tượng trưng cho Lộc (trong chữ Hán, Lộc có nghĩa là con nai, đồng âm với chữ Lộc – bổng lộc), hình ảnh trái đào, chim hạc, con rùa, cây tùng già tượng trưng cho Thọ (sống lâu), vì những loài cây, loài động vật đó thường có tuổi thọ rất lâu; hình ảnh hoa mẫu đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý, hình ảnh xâu tiền điếu hàm ý làm ăn phát tài, tiền vô liên tục v.v…
Ngày xưa, Tết đến nhà nhà còn treo liễn đối trong nhà, ngoài ngõ, nào là: “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ; Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” (Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi; Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà), nào là “Tân niên nạp dư khánh, Giai tiết hiệu trường xuân” (Năm mới thừa điều tốt, tiết đẹp báo xuân dài) v.v… Ngày nay, hình thức treo liễn đối chúc Tết mừng xuân không còn phổ biến, nhưng nó mãi tồn tại trong ký ức mọi người về văn hóa Tết xuân xưa.
Phan Minh Đức