Nằm giữa khu vườn cây ăn trái rộng 5.000 m2 có một ngôi nhà xưa chứa hàng ngàn cổ vật nhưng được bày trí rất lạ.
Thừa nhận không biết nhiều về cổ vật, nhưng ông Tư nói “thích là chơi”ẢNH: HP
Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tư, còn gọi là Tư Đá, tại ấp Xóm Vông, xã Thạnh Phú, H.Châu Thành (Tiền Giang).
Ngôi nhà đủ kiểu đồ xưa…
Được xây dựng trên diện tích khoảng 400m2, ngôi nhà của ông Tư cất theo kiểu 3 gian, 2 chái Nam bộ với cột gỗ căm xe, mái lợp ngói vảy cá, vách gỗ, cửa lá sách, nền lót gạch tàu. Nối liền với ngôi nhà chính ở phía sau còn có gian nhà phụ gọi là hậu đường, mái lợp ngói âm dương, có đông lang và tây lang, ở giữa có giếng trời.
Theo thiết kế thì ngôi nhà chính là nơi thờ tự, còn gian nhà phụ là nơi trưng bày các vật dụng xưa với đủ loại trên đời.
Nhưng điều kỳ lạ là ngôi nhà này từ cột, kèo, rui, vách, bàn, ghế, tủ thờ, cho đến hành lang bên ngoài… đâu đâu cũng thấy toàn cổ vật, kể cả bàn ông Thiên ở phía trước nhà. Còn giữa nóc nhà thì ông Tư để cái bình mà ông gọi là “bầu linh dược”.
Ông Tư cho biết gia đình ông về đây ở từ sau năm 1975 trên phần đất của ngoại ông. Ngoài ngôi nhà gỗ được mua từ nơi khác đem về cất lại với chi phí gần 700 triệu đồng, phía trước còn có căn nhà tường cũng chứa đầy vật dụng lạ mắt.
Điểm đặc biệt của ngôi nhà là ngoài bộ cột chính bằng gỗ căm xe đen bóng, còn lại những cây cột hàng ba của nhà chính và nhà phụ đều được kết nối bằng gần một trăm cái lục bình bằng sứ với đủ kiểu hoa văn, chủng loại.
Xung quanh nhà, tất cả các đầu cây đòn tay, đầu rui đều được gắn hàng trăm chiếc dĩa xưa lớn nhỏ mà theo giải thích của ông Tư là “để ngắm chơi đồng thời để che nắng, mưa không làm mục gỗ”!
Tuy nhiên, độc đáo nhất là bên trong nhà, ngoài liễn đối, hoành phi, tranh sơn mài và bàn, ghế, tràng kỷ, tủ thờ xưa được cẩn xà cừ, bộ sưu tập của ông còn có hàng ngàn vật gia dụng với nhiều chủng loại khác nhau thật ấn tượng.
Nhiều nhất là nhóm đồ bằng gốm, sứ như tô, chén, dĩa, bình trà xưa các loại… có đến hàng ngàn món. Ngoài ra còn có hàng trăm cái lu, hủ, kiệu, thạp, diệm, tĩn nước mắm… của người Việt xưa, người Khmer và thời Vương quốc Phù Nam được chất đầy 2 bên hành lang và phía trước nhà.
Trong đó có những chiếc vại to do người dân đào được từ trong lòng đất. Ngay cả xa quạt lúa, cối giã gạo ông cũng sưu tầm được nhiều cái.
Tại khu vực hành lang của hậu đường, ông Tư trưng bày hàng trăm cái lục bình cùng với những chiếc đôn hình tượng con voi, con rùa, lạc đà và nhiều tượng kỳ lân, sư tử… thuộc dòng gốm Lái Thiêu, gốm Cây Mai xưa.Chỉ tiếc là việc sắp xếp cổ vật không theo nhóm, theo chủ đề, mà rất lộn xộn và… cổ kim hòa nhập.
Chẳng hạn như ở gian thờ tự, vừa có tượng Phật tổ Như Lai, Quan Âm Bồ tát, tượng Bồ Đề Đạt Ma, lại có cả tượng Lý Thiết Quải, tượng thần Tài, thần Voi, ông Địa và Tề Thiên đại thánh…
“Hễ khoái là mua”
“Tôi mê đồ xưa từ khi còn trẻ. Ngoài đồ gia bảo do ông bà để lại, hễ có tiền, gặp đồ độc, lạ là tôi mua thêm nên số lượng ngày càng nhiều. Tôi thích vì có những cái chén, dĩa đào được từ dưới mương lên, nằm ở dưới đất sét nhưng nước men vẫn sáng bóng”, ông Tư chia sẻ.
Có nhiều vật như đỉnh lư hương, tượng Phật, bộ chân đèn… lạ ông Tư khoe là rất xưa, rất quý, nhưng ông thừa nhận là không biết niên đại hoặc xuất xứ mà hễ thấy “khoái” là mua. Ví dụ ông chỉ cho chúng tôi xem cái án thư bằng gỗ mun, cẩn ốc xà cừ, để trên bàn thờ. Ông nói “cái này của ông bà, hồi xưa bị lính Tây đốt nhà còn sót lại. Quý lắm nhưng tui cũng không biết nó có từ thời nào”.
Tương tự, ở hậu viên có những tiểu cảnh được kết nối từ những món cổ vật có giá trị nhưng hơi… khập khiểng. Cụ thể như dùng đá thạch anh để kết làm hòn non bộ, dùng mặt dây chuyền cẩm thạch để trang trí đường viền bàn, ghế.
Hoặc ở gian nhà chính, bức màn cửa buồng được kết từ gần trăm chiếc vòng tay cẩm thạch, mã não và hạt chuỗi, v.v…
“Bữa nào tui cũng thức dậy từ 5 giờ sáng. Nấu nước, pha trà xong thì bắt tay vô làm. Cứ vừa làm vừa ngắm, ở không thì buồn lắm”, ông Tư cho biết.
Năm nay đã 81 tuổi. Gia đình ông Tư có 3 người con. Tất cả đều có gia thất và cơ ngơi riêng. Vì vậy bây giờ ông muốn dành thời gian cho sở thích của mình.
Nhưng ông muốn lưu giữ ngôi nhà cùng với những cổ vật mà ông đã kỳ công sưu tập như là của chung, không phân chia, để cho con cháu trong họ cùng thưởng thức cái đẹp, cái hay của tiền nhân.
Nhiều lần tới thăm “ngôi nhà xưa kỳ lạ” của ông Tư, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết trước năm 1975 nhà ông Tư ở cạnh chùa Thiên Đức, ông Tư tu tại gia và thường tụng kinh, gõ mõ.
Vì ngôi chùa ở gần căn cứ Đồng Tâm của quân đội Mỹ nhưng thường chứa du kích nên lính Mỹ gọi là “chùa AK”.
“Ông Tư mê đồ xưa nên gặp ai bán gì cũng mua, tốn khá nhiều tiền, nhưng không biết nhiều về cổ vật. Vì vậy có những cổ vật chưa phải là bản gốc”, ông Tường nhận xét.
|