Trong xã hội phong kiến xưa, chủ yếu là thuần nông, tất nhiên ai cũng gắn bó với việc nông tang, nhưng âu cũng do tập quán sống và lệ thuộc nhiều vào tiết nông lịch, nên lúc nông nhàn còn thêm nghề phụ, nghề buôn bán nữa. Tuy nhiên, người xưa cũng truyền nhau những câu, bài ca dao mang hàm ý mỉa mai, phê phán bóng gió và nhắc nhở những người có thói mải chơi, trễ nải công việc, rằng:
“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm,
Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân.
Tháng Tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng.
Tháng Mười buôn thóc bán bông,
Tháng (Mười) Một, tháng Chạp nên công hoàn thành.”
Hoặc:
“Một năm có mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính có gì chẳng ra.
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng Ba đi bán vải thâm,
Tháng Tư đi gặt, tháng Năm trở về.
Tháng Sáu em đi buôn bè,
Tháng Bảy, tháng Tám trở về đong ngô.
Chín, Mười cất giạ đồng mùa,
Một, Chạp vớ được anh đồ dài lưng.
Anh ăn rồi anh lại nằm,
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.
Chẳng thà lấy chú lực điền,
Gạo bồ thóc giống còn phiền nỗi chi?”
Tháng Giêng du Xuân, trẩy Hội Lim, nét đẹp trong văn hoá của người Việt (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Nguồn: VTV)
Còn nếu chuyên tâm về nông nghiệp thì:
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta,
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười còn lại một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta,
Gặt xong ta hái về nhà,
Phơi khô quạt sạch thế là xong công.”
Hoặc:
“Tháng Chạp là tháng trồng khoai,
Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà.
Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng.
Ai ai cũng vợ cũng chồng,
Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay.
Tháng Năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong đầy em xay em giã,
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều,
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chồng.
Đói no có thiếp có chàng…”
Với người Việt, cho dù làm nghề gì, cũng đều nhất thiết phải có thời gian nghỉ ngơi tích cực, dài ngắn khác nhau tùy mùa vụ cụ thể từng ngành nghề để bù lại thời gian lao động cực nhọc “một nắng hai sương”, “đầu tắt mặt tối”, nhất là việc nông tang ngày xưa rất vất vả. Thế mới có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.
Cho nên “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…” đích thị là câu nói của một số người vô công rỗi việc, lạc hậu xưa kia. Cũng nói về lệ “ăn chơi” trong tháng Giêng này, ông Lê Quý Đôn, trong sách Kiến văn tiểu lục có ghi lại bài thơ trong tập Kiên biều thất, chép rằng, khi sứ thần nước Giao Chỉ qua chơi Tây Hồ ở Hàng Châu, thấy người dân Trung Quốc mải mê vui thú, say sưa nên có phú một bài thơ tuyệt cú rằng (đã dịch):
“Mỗi cành dương liễu (tài tử) mấy cành hoa (giai nhân),
Say khướt bên hồ, quán rượu ra.
Dân Việt ăn chơi đâu có thế,
Trời Xuân canh cửi khắp gần xa.”
Rõ ràng, nhân dân ta không hề có cái thói ăn chơi, cờ bạc, rượu chè “mút mùa”. Thời gian “xả hơi” ấy quả rất cần thiết và hợp lý, nhưng không kéo dài mãi đến nỗi phải bỏ phế công việc.