Tổng quan về tranh sơn mài Việt Nam
Trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình hiện đại đương đại Việt Nam, sơn mài là một trong những chất liệu truyền thống đã được khẳng định, hiện đang được rất nhiều thế hệ các họa sĩ say mê nghiên cứu bằng các nhãn quan nghệ thuật tạo hình đa dạng với mục đích định hình dấu ấn cá nhân và thể nghiệm những quan niệm mới của mình về nghệ thuật.
Với những hình thức, thủ pháp khác nhau, các tác phẩm sơn mài của các họa sĩ đương đại Việt Nam đã và đang tạo ra những thủ pháp, phương thức sáng tạo vừa thể hiện bản sắc dân tộc vừa mang âm hưởng của nghệ thuật tạo hình đương đại.
Nhìn lại quá khứ lịch sử, những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam trong thế kỷ XX đã được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Những người yêu nghệ thuật Việt Nam luôn tự hào vì đã có những họa sĩ tài danh đưasơn mài từ một chất liệu thủ công truyền thống trở thành một chất liệu hội họa. Các tác phẩm mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Ngựa Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm; Bình phong của Nguyễn Gia Trí; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng và rất nhiều tác giả tác phẩm khác đã tạo dựng nên hình hài một sơn mài Việt nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới thế kỷ XX.
Tranh sơn mài của Bùi Hữu Hùng
Ngày nay, nghệ thuật sơn mài hiện đại đương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Một số họa sĩ trẻ đã đưa các loại vỏ ốc vỏ trứng vỏ trai vào tranh để tạo ra những hiệu quả mang tính biểu hiện trừu tượng nhiều hơn là mô tả thực. Người xem nhờ đó có thể nhận diện được sự đa dạng tạo ra từ chất liệu. Nó không bị bó hẹp trong tạo hình và thể hiện. Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì thế giới hiện thực vẫn là những tác nhân quan trọng và luôn ẩn hiện trong các tác phẩm sơn mài đương đại Việt Nam.
Là một người luôn tâm huyết với nghề, thầy Đoàn Văn Nguyên đã từng có nhiều năm giảng dạy cho các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt nam) về kỹ thuật làm tranhsơn mài. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, thầy cũng đã có nhiều trăn trở, tìm tòi, đổi mới trong sáng tác. Kết cấu bố cục hiện đại, lối tạo hình đơn giản cô đọng mang nhiều tính trang trí kết hợp với việc tạo chất đã tạo ra nhiều lớp không gian trong các tác phẩm, đồng thời phát huy được những ưu thế của chất liệu sơn mài.
Tranh sơn mài của Trương Bé
Họa sĩ Diệp Quý Hải hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Là người cũng đã có nhiều kinh nghiệm và cũng đã từng có nhiều năm gắn bó, thử nghiệm với nghệ thuật sơn mài. Tranh của Diệp Quý Hải bố cục theo diện phẳng, đơn giản, thiên về tạo chất với các mảng hình đã được trừu tượng hóa. Tác phẩm: Hội đêm (Huy chương bạc triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005) của anh là một tác phẩm trừu tượng. Hình tượng trong tác phẩm chính là sự kết nối cấu trúc của những tín hiệu, những ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình hiện đại nhưng vẫn gợi ra được các hình ảnh của sự vật và chuyển tải một thông điệp cụ thể đến những người thưởng thức.
Từng một thời là học trò của thầy Đoàn Văn Nguyên lại có may mắn là được sinh ra trong một gia đình đã từng làm sơn mài truyền thống. Nguyễn Quốc Huy đã kế tục xuất sắc khi theo đuổi và thể nghiệm chất liệu này. Anh đã làm chủ được chất liệu với những kỹ thuật diễn tả điêu luyện. Tính biến hóa, bất ngờ luôn ẩn chứa trong chất liệu đã hấp dẫn và cuốn hút anh. Vẻ đẹp của con người và cảnh vật đang diễn ra hàng ngày đã tạo cho anh những mạch nguồn cảm xúc không bao giờ cạn. Chính vì vậy tranh của Nguyễn Quốc Huy luôn mang đậm hơi thở của cuộc sống và mặc dù lối thể hiện không có gì mới nhưng vẫn tạo ra những ma lực để cuốn hút người xem. Giải thưởng tại triển lãm mỹ thuật ASEAN Phillip Moris, triển lãm mỹ thuật khu vực và triển lãm mỹ thuật toàn quốc trong thời gian qua vừa là nguồn động viên anh trong quá trình sáng tạo đồng thời nó cũng đang dần khảng định một tài năng, một tên tuổi trong nền hội họa đương đại Việt Nam.
Tranh sơn mài của Nguyễn Trường Linh
Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền chắc vừa sang trọng, lộng lẫy đã thu hút các thế hệ họa sĩ Việt Nam nghiên cứu tìm tòi. Nhóm các họa sĩ đương đại tiên phong đã tập trung khai thác mọi khả năng, tính năng biểu hiện của chất liệu. Lối tạo hình mới trên nền vóc với kỹ thuật gắn kết hiện đại để tạo ra hiệu quả cho tác phẩm, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các hình thức biểu đạt.
Bùi Hữu Hùng là một họa sĩ luôn hướng về quá khứ. Anh đã đưa mọi người trở lại với các thời kỳ của chế độ phong kiến Việt Nam. Đề tài mà họa sĩ đề cập là đề tài những câu chuyện xoay quanh cuộc sống hoàng cung và thiếu nữ xưa cùng với các trang phục truyền thống. Sự liên tưởng quá khứ, kết hợp giữa lối vẽ cổ điển với tính trang trí đã thể hiện được toàn bộ tinh thần của dân tộc trong một thời kỳ lịch sử. Các tác phẩm của anh luôn được những người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập tranh hào hứng đón nhận.
Tranh sơn mài của Bùi Hữu Hùng
Họa sĩ Đinh Quân đã tạo ra hình ảnh những người phụ nữ Việt gợi cảm, nhẹ nhàng và vô cùng lãng mạn trên nền đen sâu thẳm của sơn mài. Trong lối biểu hiện vừa hiện thực vừa trừu tượng, hình tượng phụ nữ trong các tác phẩm của anh là sự kết hợp và giao thoa giữ hiện đại và truyền thống.
Đặc thù của chất liệu sơn mài là luôn tạo ra những bất ngờ thú vị trong quá trình thể hiện. Chính điều kỳ diệu này đã khiến cho các họa sĩ thoải mái hơn khi thể hiện ý tưởng, họ không bị gò bó trong cách thức biểu đạt đặc biệt trong xu hướng biểu hiện có tính trừu tượng.
Đã từng có nhiều năm trong công tác đào tạo tài năng nghệ thuật cho đất nước, họa sĩ Trương Bé đã tạo ra các tác phẩm trừu tượng bằng chất liệu sơn mài. Tranh ông là những mạch nguồn của sự sống, là những chiêm nghiệm được cấu thành từ hiện thực đang tồn tại, là tinh thần trí tuệ thăng hoa trong nghệ thuật. Những tác phẩm của ông là chiều sâu của thế giới nội tâm cùng với những đột phá trong thể hiện tính đặc thù của chất liệu. Ông thực sự là một “Bậc thầy” của nghệ thuật trừu tượng; một đại diện xuất sắc của nghệ thật sơn mài đương đại Việt Nam trong lối biểu đạt thế giới nội tâm con người cũng như những tư duy về nghệ thuật tạo hình hiện đại.
Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2006-2010 đã ghi nhận những thành tựu trong 10 năm lao động và sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ hiện đại, đương đại Việt Nam. Nhiều tác phẩm đã khẳng định được tên tuổi và tài năng nghệ thuật trong thời kỳ mới. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh là một trong những đại diện xuất sắc với tác phẩm: Hà Nội có cầu Long Biên (Huy chương vàng). Tác phẩm không chỉ khẳng định tài năng của họa sĩ mà nó còn góp phần tôn vinh thuật sơn mài truyền thống Việt Nam.
Tác phẩm “Cổng Cũ” của tác giả Nguyễn Hải Nam
Tranh sơn mài của Nguyễn Trường Linh có bố cục chặt chẽ, hiện đại và giàu chất trí tuệ. Họa sĩ đã phát huy tối đa những tính năng ưu việt của chất liệu sơn mài trong lối biểu đạt không gian của một nền nghệ thuật mới.
Triển lãm cá nhân của anh tại Đài Loan đã được một nhà phê bình của Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định: “Triển lãm như một luồng gió lạ mang đến sự huyền bí, ánh sáng, hào quang rực rỡ của nghệ thuật sơn mài Việt. Khán giả đi từ ngạc nhiên đến thán phục trước nghệ thuật sơn mài Việt Nam và họ hy vọng sẽ lại được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm khác của họa sỹ trong những năm sau”.
Nguyễn Trường Linh đang là người góp phần định hướng và tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. Đưa sơn mài lên vị trí xứng đáng là “quốc hồn quốc túy” dân tộc, giúp các họa sĩ đương đại Việt nhận ra tầm vóc và những giá trị đặc sắc của chất liệu này.
Đánh giá về Nguyễn Trường Linh, nhà phê bình Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Yêu quý chất liệu sơn mài truyền thống, anh coi mình như kẻ hậu sinh, tự tin khi con mắt được đánh thức, nên nhẹ nhõm bước chậm, bước sâu xuống đáy vóc mà vùng vẫy thỏa thuê trong những đĩa màu cũ, tinh túy của sơn mài. Để rồi, mỗi lần ngoi lên lại thấy mình khác. Hình khác, màu cũng khác khi giữa đôi bờ âm dương của mặt vóc, tiếng ngân vọng dưới đáy đen thăm thẳm kia mới là lời mời gọi quyến rũ nhất để hình sắc tự phá cõi mà tràn lên, hồn tìm được hình mà trú ngụ nơi bức họa, mặc cho cái đẹp hòa điệu bình dị, tự tại giữa vàng, bạc, son, then và vỏ trứng…”.
Tác phẩm “Tát nước đồng chiêm” của tác giả Trần Văn Cẩn
Lê Quảng Hà là một đại diện tiêu biểu của các thế hệ họa sĩ đương đại Việt Nam. Tranh Lê Quảng Hà luôn thể hiện rõ cá tính nghệ sĩ và những quan điểm cá nhân trong bố cục và tư duy tạo hình mới. Họa sĩ không chú tâm vào việc mô tả sự vật mà tìm cách sáng tạo ra những mô típ tạo hình trên cơ sở của tư duy chủ quan, của lý trí và sự suy ngẫm. Những hình tượng nghệ thuật mới mà anh tạo ra cùng với cách thể hiện nghệ thuật độc đáo của của mình đã và đang góp phần tạo tạo những định hướng đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam.
Sẽ còn cần tiếp tục tìm tòi và thể nghiệm nhiều hơn nữa đối với chất liệu sơn mài, nghệ thuật thế kỷ XX đã chứng kiến những đổi thay to lớn trong việc nhìn nhận và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, khi các xu hướng nghệ thuật liên tục xuất hiện để bày tỏ những suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống và nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại ngày nay đã xuất hiện nhiều xu hướng mới giúp những người thưởng thức có thể tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật theo nhiều cách thức khác nhau. Có lẽ nghệ thuật sơn mài cũng cần có những tìm tòi, những giải pháp và những cách tân mới và lạ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại Việt nói chung và sơn mài Việt nói riêng.
Tác phẩm “Mùa xuân trên bản Quặng” của Dương Hướng Minh
Màu vàng son lộng lẫy, không gian sâu thẳm và huyền bí, nhiều chất mới lạ luôn được tạo ra trong không gian sâu thẳm của tranh mà có lẽ chỉ sơn mài mới có thể có được đã khẳng định vị thế riêng của sơn mài. Quá trình tìm tòi của các thế hệ họa sĩ đã tạo nên một bề dày thành tựu trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Cho đến nay, chất liệu sơn mài vẫn còn là những bí ẩn kì diệu và đang chứng tỏ khả năng vô tận của mình trong mọi khả năng biểu đạt.
Họa sĩ Lê Quảng Hà từng nói: “Người tài có khả năng làm thay đổi quan niệm về cái đẹp. Họ sẽ thuyết phục người khác bằng chính tài năng, lòng trung thực và bằng lao động không mệt mỏi của họ…”
Hy vọng trong thời gian tới, những ẩn số thú vị trong giá trị biểu đạt của chất liệu sơn mài sẽ luôn được các họa sĩ quan tâm tìm tòi và khám phá. Đưa sơn mài Việt Nam ngày càng trở thành một chất liệu truyền thống quý báu, cần phải được giữ gìn, phát huy, phát triển nhiều hơn nữa trong nền nghệ thuật tạo hình Việt nam đương đại.
Những tác phẩm của những hõa sĩ tiêu biểu
Tranh sơn mài là một phát hiện lớn lao về mặt nghệ thuật và kĩ thuật thể hiện của nền hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa Á Đông nói chung. Những cái tên như: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Trần Đình Thọ,… là những họa sĩ có công đưa nghệ thuật sơn mài lên đỉnh cao vang dội. Mời các bạn chiêm ngưỡng một số tác phẩm tiểu biểu “tên tuổi” này:
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1909 – 1993)
Theo ông Thái Bá Vân, với nửa thế kỷ hội họa của mình, Nguyễn Gia Trí là một trong vài ba ngôi sao sáng nhất của nghệ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Ông được mệnh danh là ” cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa khi trước đó, sơn mài chỉ được sử dụng như một chất liệu trang trí truyền thống. Và mãi tới những năm 1930, với Nguyễn Gia Trí, Trần Quang Trân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu chân trời hội họa mới mở ra với chất liệu ấy.
Danh họa Tô Ngọc Vân viết: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người làm ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng”.
Thoạt đầu của công cuộc khai thác sơn ta, những tên tuổi như: Nguyễn Văn Quế, Tạ Tỵ, Phạm Hậu, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… đều góp mặt. Phần lớn các tranh giai đoạn này trầm nặng, cổ kính, hệ thống nét tỉ mỉ, trau chuốt thiên về chất trang trí. Duy chỉ có Nguyễn Gia Trí vượt trên tất cả… màu sắc được tự do ngao du cất tiếng hát kể truyện cổ tích… những khung cảnh đời thường như khóm tre, bụi chuối, hồ sen… giờ đây lung linh huyền ảo bên những lưng ong thoắt ẩn, thoắt hiện… những nét vàng như tự trong sâu thẳm sơn then bất chợt cao vọi phóng túng như cánh diều no gió hay khúc hát cao vút dội vào trời xanh, nâng hồn ta hoan hỷ, ngập tràn trong ánh sáng. Đó là thứ ánh sáng của những vùng hư ảo từ sâu thẳm tâm linh biến đổi thể chất của vàng bạc, sơn son chiếu rọi chan chứa thấm đẫm đến người và vật.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988)
Ông đã làm cuộc cách tân đáng kể trong lĩnh vực sơn dầu và nhất là sơn mài. Đồng thời, ông cũng khai thác thành công phong cách nghệ thuậthội hoạ hiện đại Châu Âu, nhưng vẫn không xa rời nghệ thuật dân gian và cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật của ông là sự kết hợp hài hoà giữa tính hiện đại và tinh hoa của dân tộc. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của những cảnh thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài đến đỉnh cao với tầng lớp đời thường, chiến tranh, cách mạng, những xung đột của cuộc sống hiện tại. Ông bổ sung vào sơn mài bảng màu vàng, xanh, diệp lục với cách diễn tả phong phú dường như vô tận. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đấy là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội hoạ cả về chất liệu và danh tiếng. Các tác phẩm của Nguyễn Sáng có tầm cỡ về kỹ năng, mang rõ những thông điệp lớn về thân phận con người và tiềm ẩn một tài năng lớn của sáng tạo hiện đại cho nền mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn sung sức nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sáng vào thập niên 70.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922)
Là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng, Ông là một người trong bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái của hội họa Việt Nam.
Họa sĩ Phan Kế An (1923)
Hoạ sĩ Phan Kế An có tài sáng tác ở nhiều thể loại và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… Tranh của ông chứa phong cách hiện thực, tập trung nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du bằng cảm xúc chân thực và sâu lắng. Những bức tranh sơn mài của ông có thể kể đến là: Nhớ một chiều Tây Bắc – 70x112cm (1955); Gặt ở Việt Bắc – 60x50cm (1955); Những đồi cọ 150cmx250cm (1965).
Họa sĩ Nguyễn Khang (1911 – 1989)
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khang là những tranh sơn mài xuất sắc, có vẻ đẹp tinh tế và sâu sắc, biểu đạt những ý tưởng tốt đẹp của họa sĩ về đất nước và kháng chiến, ông nghiên cứu sâu sắc về nghệ thuật trang trí, có công lớn trong việc đào tạo và xây dựng ngành Mỹ thuật công nghiệp ở nước ta.Những tác phẩm sơn mài như Mường mến yêu – 1939; Ngưu Lang – Chức nữ – 1943; Nguyễn Trãi – Thị Lộ – 1944; Ông nghè vinh quy – 1944; Bốn con ngựa và hai bé mồ côi – 1944; Thú vui nông thôn – 1944 và điển hình là tác phẩm Đánh cá đêm trăng – 1945 đang được lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến.
Họa sĩ Trần Đình Thọ (1919 – 2010)
Tranh sơn mài của ông được sáng tác công phu và hoàn chỉnh theo phong cách truyền thống, phản ánh những hoạt động sản xuất, chiến đấu và phong cảnh quê hương. Nhiều tranh của ông đạt được chất lượng nghệ thuật cao và được công chúng rộng rãi biết đến.
Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng
Nguyễn Đức Nùng là họa sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu mĩ thuật Việt Nam, ông sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng tiêu biểu là tranh sơn mài với kĩ thuật truyền thống. Các tác phẩm sơn mài của ông chủ yếu là đề tài cách mạng, kháng chiến và sản xuất, theo phong cách hiện thực với nhiều tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo, mang tình khái quát và có giá trị nghệ thuật cao.
Ngoài những tác giả kể trên, ngày nay, một nhóm họa sĩ (hiện nay có 52 thành viên) lấy tên là Nhóm họa sĩ Sơn ta cũng góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo mới cho thể loại tranh sơn mài nước nhà. Có thể kể đến một số tên tuổi như: Nguyễn Trường Linh , Phan Quang Tuấn, Trần Tuấn Long, Chu Viết Cường, Nguyễn Kim Đồng, Nguyễn Đức Đàn, Trần Ngọc Hưng, Đặng Phương Thảo, Nguyễn Văn Bảy, Đặng Chính Trung…
Hà Nội có cầu Long Biên – Nguyễn Trường Linh
Nhịp điệu – Đặng Phương Thảo
Trong vườn – Đặng Chính Trung